VN-Index xuống mức 413 điểm

Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012
* Cổ phiếu bất động sản nằm trong "tâm bão"
TTO - Kết thúc phiên giao dịch chiều 3-7, các chỉ số chứng khoán đã có thêm phiên giảm điểm khá mạnh, dù cho thị trường có nhiều thông tin tốt hỗ trợ như giá xăng dầu tiếp tục giảm, chỉ số giá tiêu dùng hạ nhiệt...
Các nhà đầu tư đến sàn chứng khoán ngày càng thưa thớt - Ảnh minh họa: H.Nhựt
Chỉ số VN-Index chốt phiên giảm 6,21 điểm (tương đương 1,48%) xuống còn mức 413,09 điểm. Khối lượng giao dịch nhích nhẹ so với phiên hôm qua, đạt 43,2 triệu chứng khoán chuyển nhượng, tương ứng giá trị giao dịch 678,7 tỉ đồng.
Tương tự, chỉ số VN30 cũng về mức 486,95 điểm sau khi giảm thêm 5,71 điểm (tương đương 1,16%) trong phiên. Khối lượng giao dịch đạt 14,6 triệu chứng khoán chuyển nhượng, tương ứng giá trị giao dịch 267,9 tỉ đồng.
Trong khi đó, tại sàn Hà Nội chỉ số HNX-Index giảm thêm 1,26% về còn 69,21 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 37,9 triệu đơn vị chuyển nhượng, tương ứng tổng giá trị 340,7 tỉ đồng giao dịch.
Nhóm cổ phiếu VN30 giao dịch trong phiên chỉ hai mã tăng giá là CII tăng 700 đồng lên 27.500 đồng/cổ phiếu và HVG tăng 500 đồng lên 38.000 đồng/cổ phiếu. Các mã còn lại hầu hết đều giảm mạnh, trong đó có 3 mã giảm sàn là KDH giảm 800 đồng/cổ phiếu, QCG giảm 400 đồng/cổ phiếu và SJS giảm 1.700 đồng/cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn tiếp tục nằm trong tâm bão giảm giá khi có tới hàng chục mã giảm mạnh nhất thị trường, như NTL, KDH, SJS, NBB…
Trong phiên giao dịch buổi sáng, hầu hết cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường giảm mạnh. VN-Index xuống chạm ngưỡng hỗ trợ 413 điểm, trong khi HNX-index tạo đáy mới, còn 68,9 điểm. Số cổ phiếu giảm chiếm tỷ lệ khoảng 8/1 so với cổ phiếu tăng giá. Tất cả các nhóm chính như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán đều giảm mạnh, nhiều mã chạm xuống giá sàn.
Theo tín hiệu phân tích kỹ thuật, các công ty chứng khoán cho rằng HNX-Index đang trong một xu hướng giảm, còn VN-Index đang gần với một tín hiệu xu hướng giảm. Do vậy, chiến lược đầu tư hợp lý lúc này là tiếp tục giữ tiền mặt và theo dõi thị trường rớt trong xu hướng giảm.
Thời gian này, khá nhiều công ty niêm yết đã phải công bố hoãn trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2012. Trong số các công ty này, có những gương mặt quen thuộc với giới đầu tư như MEC, SD7, S96, TXM, PTL...
Theo Kim Eng VN, việc hoãn trả cổ tức bằng tiền mặt chủ yếu xuất phát từ việc các công ty trên đang thiếu hụt tiền mặt. Trong khi đó, các công ty này chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất nguyên vật liệu xây dựng,... là một trong những nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng từ việc kinh tế tăng trưởng chậm lại và thị trường bất động sản đóng băng trên diện rộng.
H.NHỰT
Tags:

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn